Home » CẤU TẠO CỦA DA & VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP

CẤU TẠO CỦA DA & VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP

by admin
327 views

Cấu tạo của da khá phức tạp. Trong 6,5cm2 của da chứa 19 triệu tế bào da, 60 nghìn tế bào melanin. Ngoài ra, còn có 650 tuyến mồ hôi, 20 mạch máu và hơn 1000 đầu dây thần kinh thụ cảm. Dù chỉ dày vài mm, da chiếm đến 1/7 trọng lượng cơ thể người. Nhưng da lại là thứ chúng mình thường bỏ qua khâu tìm hiểu cặn kẽ. Do sự phát triển về thông tin và các nội dung chia sẻ trên MXH đã đưa đến với người đọc quá nhiều thông tin về sản phẩm và chăm sóc, nhưng lại bỏ qua các thông tin cơ bản nhất để có thể có 1 làn da khỏe mạnh.

Trong bài viết này, chúng mình cùng nhau đi qua cấu trúc của da và các vấn đề da liễu vô cùng quen thuộc hàng ngày nhé!

CẤU TẠO CỦA DA

Da là có tiết diện từ 20m2 lên đến 25m2, là 1 trong 2 bộ phận lớn nhất và là bộ phận nặng nhất của cơ thể người. Với chức năng bảo vệ, điều hòa nhiệt độ và cảm giác, cấu tạo của da gồm 3 lớp chính: lớp biểu bì (trên cùng), lớp trung bì (ở giữa) và lớp hạ bì (dưới cùng – hay còn gọi là lớp mỡ).

Source: vinmec.com

1. Lớp biểu bì (epidermis)

Lớp biểu bì là lớp ngoài cùng của da, không chứa mạch máu, và là lớp chúng mình nhìn thấy và chạm vào. Keratin là thành phần protein chính của tế bào da. Lớp biểu bì có vai trò:

  • Hàng rào bảo vệ da: Lớp biểu bì giúp ngăn chặn vi trùng và vi khuẩn xâm nhập vào máu và cơ thể. Đồng thời giúp cơ thể chống chọi với các biến đổi của môi trường bên ngoài (vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, vi rút, nhiệt, tia cực tím UV) và chống mất nước trên bề mặt da (TEWL)
  • Tái tạo tế bào da mới: Lớp biểu bì liên tục tạo ra tế bào mới để thay thế cho 40,000 tế bào da cũ mỗi ngày. Sau 30 ngày, chúng mình sẽ có một làn da mới hoàn toàn.
  • Bảo vệ cơ thể: Các tế bào Langerhans trong lớp biểu bì là một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Giúp chống lại vi trùng và viêm nhiễm.
  • Tạo màu cho da: Lớp biểu bì chứa melanin – sắc tố tạo màu cho da, tóc và mắt, giúp hấp thụ tia UV và bảo vệ da. Lượng melanin trong lớp biểu bì cao sẽ có màu sẫm hơn và có xu hướng rám nắng nhanh hơn.

2. Lớp trung bì (dermis)

Lớp trung bì là lớp giữa của da, tạo nên 90% độ dày của da. Chức năng của lớp trung bì:

  • Chứa Collagen và Elastin: Collagen trong da như chúng mình đã biết, giúp các tế bào da khỏe mạnh, không chảy xệ và giúp da đàn hồi. Ngoài ra còn có Elastin, loại protein giữ cho da linh hoạt. Nó cũng giúp vùng da bị rạn lấy lại hình dạng ban đầu
  • Phát triển lông, tóc: Lớp trung bì có chứa nang lông là nơi phát triển, mọc lông tóc
  • Truyền tín hiệu cảm giác: Các dây thần kinh trong lớp trung bì cho chúng mình biết các cảm giác (nóng, lạnh, mềm, cứng…). Những thụ thể thần kinh này cũng giúp chúng mình cảm thấy đau
  • Tiết dầu: Các tuyến dầu ở lớp trung bì giúp giữ cho da mềm mại và mịn màng. Lớp dầu này cũng ngăn không cho da hấp thụ quá nhiều nước khi chúng mình bơi hoặc gặp mưa
  • Tiết mồ hôi: Các tuyến mồ hôi ở lớp trung bì giải phóng mồ hôi qua các lỗ chân lông trên da. Mồ hôi giúp điều hòa thân nhiệt của chúng mình
  • Cung cấp máu: Các mạch máu ở lớp trung bì cung cấp chất dinh dưỡng cho lớp biểu bì, giữ cho các lớp da khỏe mạnh.

3. Lớp hạ bì (hypodermis)

Lớp dưới cùng của da là lớp hạ bì, hay còn gọi là lớp mỡ dưới da. Với các chức năng:

  • Tạo lớp đệm cho xương và cơ trong hoạt động: Mỡ trong lớp hạ bì tạo thành các lớp đệm. Giúp giảm thiểu chấn thương cho xương và cơ khi chúng mình bị ngã hay tai nạn
  • Chứa lớp mô liên kết: Lớp hạ bì có các mô giúp liên kết giữa da với cơ và xương
  • Tạo mối liên kết với phần còn lại của cơ thể: Các dây thần kinh và mạch máu tại lớp trung bì (dermis) nối dài và có cấu trúc dày và phát triển to hơn tại lớp hạ bì. Các dây thần kinh và mạch máu này sẽ phân nhánh và làm nhiệm vụ kết nối với các phần khác của cơ thể
  • Điều hòa nhiệt độ cơ thể: Mỡ tại lớp hạ bì sẽ giúp giữ thân nhiệt chúng ta ổn định, không quá nóng, không quá lạnh

HỆ VI SINH TRÊN DA CŨNG LÀ THÀNH PHẦN CẤU TẠO CỦA DA

Ngoài cấu tạo của da theo giải phẫu học, chúng mình cũng phải xem xét đến hệ vi sinh vật trên da (skin microbiome). Hệ vi sinh vật này có trên cả bề mặt của da, và nằm dưới cả lớp hạ bì – lớp mỡ dưới da. Đây cũng là một trong các thành phần hỗ trợ xây dựng một làn da khỏe mạnh. Đồng thời, chúng cũng là một phần quan trọng trong việc phối hợp với hệ miễn dịch, và hệ thần kinh nội tiết. Chi tiết về vai trò của hệ sinh sinh trên da mình đã chia sẻ tại đây.

CÁC BỆNH VÀ VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP CỦA DA

Trong cuộc sống hàng ngày, các vấn đề thường gặp của da rất đa dạng và xuất hiện tại nhiều lớp trong cấu tạo của da. Chúng mình thường ít khi quan tâm để điều trị tận gốc do các vấn đề này thường dai dẳng và không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt bình thường. Các vấn đề thường gặp bao gồm:

1. Rối loạn da liễu (skin disorder)

Các thể rối loạn của da khá đa dạng, trong đó phổ biến nhất chính là mụn (acne). 80% người bình thường đều đã từng bị mụn vào 1 vài độ tuổi trong đời. Ngoài ra, còn có các loại rối loạn phổ biến khác như: viêm da cơ địa/chàm (eczema), bệnh vảy nến (psoriasis), bệnh bạch biến (vitiligo)

Bệnh vảy nến (psoriasis) – triệu chứng ngứa, khô, bong tróc và dày da – tương tự như viêm da cơ địa/chàm (eczema) nhưng ít ngứa hơn, không có nguyên nhân & mãn tính
Bệnh viêm da cơ địa/chàm (eczema) – thuộc nhóm viêm da do tiếp xúc hoặc do dị ứng – có tính di truyền trong gia đình, cũng có triệu chứng ngứa, mẩn đỏ, bong tróc và dày da như psoriasis
Bệnh bạch biến (vitiligo) là bệnh mà người bệnh bị tổn thương mất tế bào sắc tố da tại 1 số vùng, dẫn đến vùng da ấy bị giảm sắc tố với nhiều kích cỡ khác nhau

2. Viêm da tiếp xúc (Contact Dermatitis)

Viêm da tiếp xúc là một loại viêm da khá phổ biến. Thường xuất hiện sau khi da tiếp xúc một số tác nhân gây kích ứng, như: kim loại, thực vật (phấn hoa, nhựa cây…), hóa chất tẩy rửa, hương liệu, chất bảo quản, dược liệu (các thành phần kháng sinh).v.v… Triệu chứng có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, hoặc lâu hơn. Viêm da tiếp xúc không lây lan. Bác sĩ có thể có biện pháp kê đơn thuốc uống hoặc kê toa thuốc bôi.

3. Rộp/phồng da (Blister)

Rộp/phồng da là tình trạng dịch lỏng chứa giữa các lớp da, và khá đau đớn. Tình trạng rộp/phồng da xảy ra phổ biến nhất khi da bị chà sát nhiều lần tại 1 điểm (đi giày quá chật), da bị xoắn/véo tổn thương mạch máu, hoặc bị cháy do nhiệt (cháy nắng, bỏng độ 2…). Rộp/phồng da làm phồng lớp biểu bì (epidermis) và chứa dịch trong hoặc máu bên trong. Rộp/phồng da có thể xử lý tại nhà. Các trường hợp viêm nặng (dịch màu vàng/xanh, nóng đỏ xung quanh vết phồng) hoặc bỏng nhiệt nặng sẽ cần đi khám. Thông thường, rộp phồng da chỉ kéo dài vài ngày.

4. Côn trùng cắn

Mọi loại côn trùng cắn, bao gồm: vết nhện cắn, muỗi cắn, kiến cắn, bọ ve.v.v… Trong đó, đáng lưu ý nhất là các vết cắn từ các loại côn trùng hút máu vật chủ (muỗi, bọ ve.v.v…) có thể mang theo các mầm bệnh truyền nhiễm qua đường máu nguy hiểm (sốt xuất huyết, bệnh lyme, viêm màng não.v.v…). Hoặc các loại côn trùng, bọ có mang chất độc gây nguy hiểm.

5. Nhiễm trùng da

Viêm mô tế bào (Celulitis) là một trong các tính trạng nhiễm trùng da phổ biến nhất. Đây là dạng nhiễm trùng cấp tính của lớp trung bì (dermis) và lớp hạ bì/mỡ dưới da (hypodermis). Do viêm mô tế bào không biểu hiện ra lớp biểu bì (epidermis) nên không có tính lây nhiễm. Bệnh này gây sưng, nóng da tại khu vực bị ảnh hưởng, viêm hạch hay nổi hạch vùng. Tình trạng nặng có thể gây sốt hoặc rét run. Bệnh này cần có sự thăm khám và điều trị của bác sĩ. Các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra: áp xe mô mềm, viêm cơ nhiễm trùng, viêm xương tủy xương, thậm chí nhiễm trùng máu.

6. Tổn thương da

Mụn, nốt ruồi, tàn nhang, vết bớt và skin tag là những tổn thương da hay gặp. Tổn thương da dùng để mô tả mọi trạng thái khác thường của da tại 1 khu vực, và khác hẳn các vùng còn lại của da. Các tổn thương của da thường không dẫn đến ung thư, và không cần các biện pháp điều trị đặc biệt. Trừ trường hợp ảnh hưởng đến sinh hoạt hay thẩm mỹ. Ai cũng gặp các trường hợp tổn thương da này từ khi sinh ra. Tuy nhiên, một vài vùng bất thường trên da có thể là triệu chứng tiềm ẩn của rối loạn hệ miễn dịch hoặc ung thư da.

7. Vết thương hở trên da

Vết thương hở bao gồm từ vết thương do tai nạn, bỏng nhiệt, hay đã hình thành sẹo.

KẾT LUẬN

Cấu tạo của da với 3 lớp: biểu bì, trung bì và hạ bì, cùng sự trợ giúp của các lợi khuẩn trong hệ vi sinh trên da đã cấu tạo nên một làn da khỏe mạnh, đủ sức đề kháng chống trọi với môi trường bên ngoài. Để ý đến những sự bất thường trên da và các tổn thương, giúp chúng ta nhận dạng được vấn đề, và từ đó tìm cách khắc phục một cách hiệu quả để duy trì làn da khỏe mạnh lâu dài.

You may also like

Leave a Comment